Cẩm nang du ngoạn Con Đường Tơ Lụa

Chả là tháng 11 năm 2016 tớ có làm một tour khám phá con đường Tơ Lụa, cũng có hẳn một album ảnh kèm nhật ký hành trình, nhưng nội dung ấy ngoài việc gây GATO và lảm nhảm cá nhân thì không có nhiều thông tin mang tính chất tham khảo lắm (Link album). Nên tớ viết thêm bài này với mục đích thuần tuý cung cấp chỉ dẫn, để cậu nào có ý định lên đường hoặc bị album kia của tớ dụ dỗ sẽ có thêm dữ liệu chuẩn bị cho chuyến đi.
Bài này tớ sẽ chia làm 5 phần:
  • Giới thiệu chung về cung đường tớ đã đi.
  • Nên đi khi nào và trong bao lâu
  • Cần chuẩn bị gì trước chuyến đi
  • Kinh nghiệm tàu, xe, khách sạn, tham quan, ăn uống, mua sắm…
  • Tổng thiệt hại.

Giới thiệu chung:

Con Đường Tơ Lụa là một cung đường dài, rất dài. Tớ mới chỉ đi 1/3, tức là khoảng một nửa phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Phần này nằm trong hai tỉnh Tân Cương và Cam Túc.
Cung đường đi qua rất nhiều địa danh có giá trị lịch sử văn hoá lớn, như Gia Dục Quan, Trương Dịch, Đôn Hoàng. Cũng chính nhờ nền mậu dịch phồn thịnh một thời mà văn hoá nơi này có sự giao thoa của các yếu tố Đông Tây, của các dân tộc Hán, Hồi, Duy Ngô Nhĩ… tạo nên một đặc trưng rất Tây Vực.
Các cậu có thể đi ngược hoặc xuôi cung này tuỳ thích. Tớ chọn đi ngược từ Ürümqi về Lan Châu, vì giá vé chặng Thành Đô Ürümqi chỉ rẻ bằng một nửa chặng ngược lại.
Tớ đánh dấu cung đường trên bản đồ, ngoại trừ hai dấu sao trên cùng nhé
* Chú thích: hai dấu (*) trên cùng là Yli và hồ Sayram, có thể đi nếu dư dả thời gian.

 

Nên đi khi nào và trong bao lâu?

Thời gian đẹp nhất để đi là tháng 8-11. Trong đó thời gian “kinh tế” nhất là tháng 11, khi mà mùa thấp điểm vừa bắt đầu và thời tiết vẫn chưa quá lạnh.
Đi tầm tháng 8,9 và đầu tháng 10 có lợi thế là cây cối vẫn còn xanh mướt, thảo nguyên xanh mênh mông, trái cây ngập tràn, mùa du lịch cao điểm nên không thiếu chỗ ăn uống dọc đường, khỏi lo bị đói. Tuy nhiên giá tham quan một số điểm sẽ đắt gấp đôi và thậm chí phải đặt trước. Chỗ nào cũng đầy người là người.
Đi tầm tháng 11, trời lạnh khô nhưng chưa có tuyết rơi. Trời lúc nào cũng xanh trong vắt. Lá hồ dương khô vàng, khắp chốn là một màu se sắt. Mùa này vắng khách, đi đến đâu cũng cócamr giác bao trọn gói cả khu thắng cảnh. Giơ máy lên là có ảnh đẹp.
Để đi hết cung đường từ Thành Đô đến Ürumqi cần khoảng 10-12 ngày, kể cả di chuyển từ Việt Nam.
Cần chuẩn bị gì?
  • Xứ này lúc nào cũng nắng. Kể cả mùa đông. Mặt trái của bầu trời xanh thuần khiết là nắng cũng vỡ mặt. Kem chống nắng và kính râm là must have items.
  • Nếu bạn đi trước cuối tháng 10, cần chuẩn bị quần áo mùa thu, kèm áo khoác mỏng nhẹ. Nếu đi sau thời gian này, hãy mang áo lông vũ ấm và mũ che tai.
  • Giày thể thao nhẹ, êm sẽ giúp bảo vệ đôi chân khi đi bộ nhiều hoặc leo núi.
  • Nhớ mang đầy đủ đồ dưỡng ẩm cho mặt và body nếu đi vào mùa thu đông, vì ở đây khô khủng khiếp.

 

Kinh nghiệm ăn ở, đi lại, ăn uống, tham quan:

Đi lại:
  • Di chuyển từ Việt Nam: bằng máy bay Vietnam Airlines. Bạn có thể bay đến Thành Đô hoặc Bắc Kinh để trung chuyển.
  • Di chuyển nội địa TQ:
    • Nếu đi xuôi con đường tơ lụa: bạn có thể bay tới Lan Châu, rồi đi tàu tiếp tới Trương Dịch, Gia Dục Quan, Đôn Hoàng, Urumqi, rồi bay ngược từ Urumqi về điểm xuất phát.
    • Nếu đi ngược giống tớ: bạn bay thẳng đến Urumqi, rồi đi tàu đêm tới ga Liễu Viên, sau đó bắt taxi hoặc thuê xe về Đôn Hoàng (mất khoảng 2 tiếng), các chặng sau di chuyển bằng tàu, về Lan Châu thì bay trở lại điểm xuất phát.
Như vậy, Lan Châu là điểm trung chuyển số 2. Bản thân Lan Châu không có gì để chơi, nhưng từ Lan Châu có thể đi chơi Cam Nam hoặc Thanh Hải nếu như bạn có hứng thú với các vùng đất Tạng. 
Tips:
  • Nên canh vé khuyến mại Vietnam Airlines trước 3 tháng trở lên để có giá cực tốt.
  • Vé máy bay nội địa TQ nên đặt ở Ctrip hoặc Qunar, Alitrip. Canh trước 15~20 ngày sẽ có giá tốt nhất. Tớ quan sát mấy năm nay thì thấy vé Thành Đô – Urumqi rẻ nhất sẽ rơi vào tháng 11
  • Khi đến mỗi thành phố trong hành trình, nên thuê xe trọn gói để thăm các danh thắng di tích. Giá thuê xe dao động từ 200-400 tệ/ngày cho xe 4-5 chỗ ngồi. Bác tài sẽ đưa đón bạn theo lịch trình bạn muốn, chờ bạn ngoài cổng trong thời gian bạn vào tham quan. Cách này vô cùng thuận tiện và rẻ nếu bạn đi nhóm 4-5 người. Tuy nhiên trong đoàn phải có người biết tiếng Trung, vì các bác tài đều mù ngoại ngữ. Inbox tớ nếu cần contact bác tài.
  • Uber hình như không sử dụng được ở Tq nữa hay sao ấy. Ứng dụng didi bản địa thì yêu cầu thanh toán qua alipay nên cũng không khả thi với người nước ngoài. Cứ bắt taxi ngoài đường và yêu cầu bật đồng hồ, chi phí không quá đắt.
  • Sân bay Lan Châu cách trung tâm thành phố hơn 70km. Đi shuttle bus mất 1.5h, vé 30 tệ. Nếu bắt taxi mất khoảng 150~200 tệ. Cần chú ý thời gian. Taxi ở Lan Châu tương đối khó bắt, phần lớn là xe dù.
  • Sân bay Urumqi rất gần thành phố. Bắt taxi chỉ mất chừng 40 tệ.
  • Chú ý ra đúng ga tàu. Thường các tàu nhanh (tàu điện) sẽ khởi hành ở ga riêng. Ở Tân Cương cần chú ý không mang theo hành lý nguy hiểm như dao, kéo, kể cả dao dụng cụ có khoá lưỡi. Sẽ bị tịch thu không khoan nhượng.
  • Có xe bus địa phương đến hầu hết điểm tham quan. Có thể hỏi khách sạn để biết thời gian và địa điểm lên xe. Tuy nhiên số chuyến có hạn và thời gian không linh động, khó cho bạn nào muốn ngắm bình minh hay hoàng hôn ở các thắng cảnh đặc biệt.
  • Múi giờ vùng này tính theo Bắc Kinh, nhưng vị trí địa lý lệch nhiều về phía Tây nên buổi sáng mọi hoạt động đều bắt đầu khá muộn. (Sau 9,10h). Không cần dậy quá sớm để đi tham quan.
Đống vé của tớ
Ăn ở:
Ở Dorm hay hotel tuỳ thói quen của các bạn. Cá nhân tớ thích hotel hơn vì có nhà vệ sinh riêng sạch sẽ. Tớ thường thuê phòng với giá 100-250 tệ tuỳ địa điểm. Nếu đi trái mùa có thể vợt được những khách sạn rất xịn với giá cực hời.
Tips: Không cần book trước quá sớm. Tớ thường đặt trong ngày hoặc trước 1 ngày qua ứng dụng Ctrip. Thường có nhiều last minute deals rất hời. Ctrip cho phép đặt và trả tiền sau, huỷ không mất phí. Ctrip bản tiếng Trung nhiều deal hơn, nhưng cần đọc kỹ vì không phải khách sạn nào cũng nhận khách ngoại. 
  • Review về một số khách sạn tớ từng ở:
[Urumqi] Hongbaoshi Hotel:
Ở Tân Cương vấn đề trị an được thắt chặt khủng khiếp. Giá khách sạn nói chung đều khá cao so với chất lượng phòng nhận được. Bọn tớ đặt khách sạn này với giá 238 tệ/đêm cho phòng twins đầy đủ tiện nghi tuy hơi bé. Khách sạn ở ngay mặt đường Tuanjie, dưới cầu vượt và cách Grand Bazaar có mấy trăm mét. Vị trí ok, an ninh tuyệt đối, giao thông thuận tiện.
[Đôn Hoàng] Dunhuang Dunhe Grand Hotel
Thành phố Đôn Hoàng nhỏ xíu nên khách sạn ở trung tâm hay ko cũng ko ảnh hưởng lắm.
Khách sạn Dunhe bọn tớ đặt với giá rẻ bất ngờ, chỉ 108 tệ/đêm. Phòng rộng rãi tiện nghi và chỉ cách chợ đêm Sa Châu có mấy trăm mét. Gần khách sạn có quán cháo ăn sáng rất tiện và ngon miệng. Tớ vote khách sạn này 5 sao luôn, vì thái độ phục vụ cực kỳ tốt. 7h sáng checkin lập tức được nhận phòng, còn được phục vụ trà nóng và khăn ấm trong khi chờ. Lúc checkout còn có quà lưu niệm. Bên cạnh khách sanh là văn phòng một công ty du lịch. Nếu muốn bạn có thể chạy sang hỏi thuê xe.
[Gia Dục Quan] Guanli Appartment
Khách sạn hơi xa trung tâm xíu, nhưng rộng rãi và yên tĩnh. View nhìn ra ngã tư thoáng và đẹp. Giá chỉ 118 tệ/đêm.
[Trương Dịch] Shiguang xiaozhan Youth Hostel
Hostel mới mở được 1 tháng lúc bọn tớ vào ở, giá hơi cao so với cùng loại hình, nhưng thắng ở vị trí. Nằm ngay trong một phố ăn vặt và mua sắm ở trung tâm, phía sau có siêu thị lớn và chợ Cam Châu. Ra khỏi cửa là có quán ăn. Cực kỳ tiện lợi.
Bọn tớ thuê phòng 4 giường với giá 228 tệ. Tuy nhiên ông bà chủ không biết tiếng Anh, thế mà cũng mở International Youth Hostel 😂. Nhóm tớ là những khách ngoại quốc đầu tiên.
Nếu không muốn ở Hostel thì ngay đối diện phố ăn vặt có một khách sạn to đẹp. Tớ check giá cũng chỉ tầm 170 tệ/đêm.
Về chuyện ăn uống:
  • Ở Tân Cương người Hồi rất đông, họ ăn thịt cừu là chủ yếu.
  • Cam Túc ăn mỳ thay cơm vì họ chỉ trồng được lúa mỳ. Có thể kiếm quán ăn Tứ Xuyên nếu thèm cơm quá. Mỳ họ cho rất ít thịt, muốn ăn đã miệng phải gọi thêm.
  • Hoa quả vùng này đều cực kỳ tươi ngon và rẻ. Đi mùa hè thu sẽ có nho tươi, dưa mật, hồng táo… ăn thoả thích.
  • Các món áp chảo rất ngon. (Gọi là 砂锅)
  • Nhớ mua sẵn nước và đồ ăn vặt để mang đi ăn dọc đường. Đôi khi tham quan cả ngày sẽ không có thời gian ăn trưa.
Kinh nghiệm tham quan:
Tớ sẽ liệt kê những điểm đáng đi ở từng nơi:
[Trương Dịch]
  • Thất Thải Đan Hà: khu núi đá bảy màu. Tham quan mất khoảng 4h. Càng vào trong màu càng đẹp, không nên tốn quá nhiều thời gian ở ngoài. Cần căn giờ để kịp hoàng hôn nếu muốn ngắm mặt trời lặn ở đài ngắm cảnh số 4.
Tớ chụp ảnh này lúc nắng đã tắt nên không rực rỡ lắm
  • Băng Câu Đan Hà: núi đá hình thù cung điện kỳ vĩ. Tham quan mất khoảng 3~4h. Trong 1 ngày có thể thăm cả Băng Câu lẫn Thất Thải.
Đi trái mùa nên vắng hoe, sướng cực
  • Chùa Mã Đề quần thể di tích khá rộng, cách thành phố 70km. Tham quan hết khoảng 4~5h. Có thể thuê ngựa lên thảo nguyên chụp ảnh và ngắm cừu. Giá thuê từ 30~100 tệ. Kết hợp tham quan chùa Đại Phật ở trung tâm thành phố lúc về.
  • Khe núi Bình Sơn Hồ: tham quan hết 2-3 tiếng. Có thể đi vào ngày cuối ở Trương Dịch, chiều về chuẩn bị đi tàu.
--> nếu đi hết các điểm trên, cần 3-4 ngày. Thuê xe 5 chỗ đi toàn bộ các điểm trên mất khoảng 700-1000 tệ. 
[Gia Dục Quan]
Chỉ cần 1 ngày để thăm hết các điểm ở Gia Dục Quan, bao gồm:
Trường Thành Đệ Nhất Đôn – Huyền Bích trường Thành – Gia Dục Quan Thành. Thuê taxi trọn gói hết 180-200 tệ (trung bình 60 tệ/điểm tham quan), bác tài sẽ đón ở khách sạn và trả tận ga tàu nếu cần.
Bầu trời xanh đến nao lòng
[Đôn Hoàng]
  • Bảo tàng Đôn Hoàng: free, cần khoảng 2 tiếng. Tham quan xong thì đi hang Mạc Cao.
  • Hang Mạc Cao: nếu không biết tiếng Trung, nên mua vé dành cho khách ngoại. Vé bao gồm xem phim tài liệu và thăm hang thực địa. Vé khách ngoại sẽ được nhận tai nghe tiếng Anh, lúc thăm hang thực địa cũng có HDV tiếng Anh riêng. Suất chiếu phim tiếng Anh là 12h trưa. Vừa kịp thăm xong bảo tàng.
Chú ý: mùa cao điểm phải đặt vé trước 1-3 ngày. Bạn có thể sắp xếp thăm các nơi khác trước và đặt vé ngay hôm đầu tiên đến Đôn Hoàng để có vé. Mùa thấp điểm thì cứ thoải mái.
  • Minh Sa Sơn, Nguyệt Nha Tuyền: có thể dành cả ngày cho nơi này. Sáng cưỡi lạc đà, thăm ốc đảo, chiều leo lên núi cát ngắm mặt trời lặn. Lúc cưỡi lạc đà sẽ có mấy bác đứng dọc đường chụp ảnh cho, nếu muốn lấy ảnh chụp cưỡi lạc đà thì nhớ ra sớm trước lúc mặt trời lặn vì các bác ấy sẽ bán lại ở đó, lấy xong rồi chạy vào chơi tiếp. Vé có hiệu lực trong 3 ngày ko hạn chế số lần, nhưng cần show vé và ảnh chụp selfie bên trong cho nhân viên soát vé.
  • Đôn Hoàng cổ thành: phim trường cũ, thăm khoảng 2 tiếng. Nếu hên có thể gặp đoàn làm phim cổ trang nào đó. Bọn tớ đã gặp đoàn phim Tuý Linh Lung đấy.
  • Tây Thiên Phật Động: có thể bỏ qua nếu đã thăm hang Mạc Cao. Vì chỗ này chỉ được thăm 4 động, quá chán so với Mạc Cao.
  • Ngọc Môn Quan: thăm 30p~1h
  • Hán Trường Thành: thăm 30p
  • Dương Quan: có thể bỏ qua nếu đã quá 3h chiều. Nơi này chỉ còn một ụ đất, chủ yếu là giá trị lịch sử
  • Công viên địa chất Yardang: thăm 3-4 tiếng và nhớ ngắm mặt trời lặn ở đây. Từ Yardang về lại Đôn Hoàng mất hơn 2 tiếng chạy xe.
 --> cần ít nhất 3 ngày để thăm hết Đôn Hoàng. 
[Turpan] Vương quốc Thổ Phồn xưa trong Tây Du Ký: optional. Mùa hè ở đây có vườn nho và lễ hội rượu vang. Chơi ở đây 1 ngày là đủ
[Urumqi]
  • Grand Bazaar: chợ của người Duy Ngô Nhĩ.
  • Thiên Sơn Thiên Trì: công viên sinh thái lớn. Cần 1 ngày cả đi về và tham quan. Có thể ra công viên Nhân Dân bắt xe bus.
  • Thảo nguyên Nam Sơn: mùa hè có thể ra đây cưỡi ngựa. Mất 1 ngày.
  • Bảo tàng Duy Ngô Nhĩ: thăm 2-3 tiếng. Bên cạnh có TTTM khá lớn.
—> Cần 2-3 ngày để chơi quanh Urumqi 
Tổng thiệt hại:
Tớ sẽ ước tính chi phí ở mức an toàn cho mọi người tham khảo.
  • Vé máy bay Hà Nội-Thành Đô khứ hồi: 4.5~6.5 tr
  • Visa TQ: 1.5 tr (từ năm 2017 đã lên gần 100$ rồi huhu)
  • Vé máy bay Thành Đô-Urumqi hoặc ngược lại: 2.5 ~ 4tr
  • Vé máy bay Thành Đô-Lan Châu hoặc ngược lại: 1 ~ 1.5tr
  • Vé tàu các chặng: 2tr
  • Tiền thuê xe: từ 200K/ngày*8 ngày: 1.6tr
  • Tiền khách sạn: từ 150K/ngày*10 ngày: 1.5tr
  • Tiền ăn: từ 150K/ngày*10 ngày: 1.5tr
  • Tiền vé tham quan: 3 ~ 4tr (nếu đi mùa cao điểm)
  • Chi phí khác: 2tr
—> tổng 21.1 ~ 24.1tr (chưa tính mua sắm cá nhân nhé)
Chúc các bạn sớm có chuyến đi như ý muốn!

5 thoughts on “Cẩm nang du ngoạn Con Đường Tơ Lụa

Add yours

  1. Ôi nàng ơi 😀 nàng thành thần tượng của tớ rồi đấy❤️ Hy vọng sẽ có một ngày theo dấu chân nàng được đến những nơi này ^^

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑