Larung Gar – tuyết trắng diệu kỳ

Tôi chưa bao giờ mơ mình sẽ được trải qua trận tuyết đầu đời ở một nơi như thế, vào lúc nửa đêm, từ trên độ cao 4000m so với mực nước biển, nhìn xuống phía dưới là tu viện Tạng lớn nhất thế giới, và bao quanh là vô vàn những ô cửa sổ lấp lánh ánh đèn. Nhất là sau khi vừa mới “lẻn” vào Sertar – vùng đất đang cấm người nước ngoài lui tới.

IMG_6001

Còn nhớ, tôi biết đến Sertar lần đầu là từ một dòng trạng thái vu vơ trên QQ của một trong những đối tác cũ người Trung Quốc, cậu chàng đăng tút rủ rê bạn bè lập nhóm tự lái xe đến Sertar. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về địa danh này, như một bản năng, tôi Google ngay lập tức.

Kết quả trả về khiến tôi choáng ngợp ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi sửng sốt không thể nào tin nổi trên đời lại tồn tại một thánh địa như thế. Nó quá đẹp, quá hoành tráng, quá đặc sắc, nó làm tôi nghẹt thở và sôi sục bởi ý nghĩ mình phải đến đây, phải được nhìn tận mắt, sờ tận tay. Suốt những ngày sau đó, tôi mải miết search thông tin liên quan đến Sertar, bấy giờ Sertar vẫn chưa cấm du khách nước ngoài. Kế hoạch của tôi là lên đường ngay mùa thu năm đó.

IMG_7389

Khi tôi đang háo hức hưng phấn tột độ vì sắp được đặt chân đến Sertar, thông tin tu viện bị dỡ bỏ bắt đầu lan truyền trên mạng, kèm theo đó là chính sách đóng cửa với du khách nước ngoài. Đương nhiên, cứ khi nào có biến động gì đó ở các khu tự trị Tạng tộc ở đất Tàu, trên mạng luôn tồn tại nhiều luồng quan điểm trái chiều. Tôi lo sốt vó, cuống cuồng hỏi thăm loạn xạ. Bác tài mà tôi từng hỏi thăm đã quả quyết với tôi rằng, tu viện chỉ dỡ bỏ một phần khu kí túc để quy hoạch lại, và bác sẽ có cách đưa tôi vào chui nếu tôi vẫn muốn đi.

Rồi sau đấy thì tôi hèn – sợ sẽ bể show hỏng cả kỳ nghỉ nếu nhỡ chẳng may không thể lẻn vào đó. Tôi đã chuyển sang plan B — Con Đường Tơ Lụa. Thôi đành lỡ hẹn với Sertar.

Nhưng cái tính tôi đã muốn là sẽ làm bằng được, ngay mùa xuân năm sau đó, tôi quyết chí lên đường, và Sertar là ưu tiên số một.

Tôi chọn ngày cuối xuân, với hi vọng sẽ được nhìn thấy cao nguyên Đông Tạng mơn mởn sắc cỏ xanh, thấy hoa Gesang bừng nở khắp núi đồi, thấy hoa mơ hoa táo khoe hương khoe sắc. Lý tưởng thì hấp dẫn mà hiện thực lại phũ phàng, do hiệu ứng La Niña năm trước mà tận tháng 5 rồi cao nguyên vẫn lạnh tái tê. Và tôi thì hiên ngang lên đường không đem theo một bộ đồ đông nào đủ ấm.

Đêm hôm ấy, sau muôn trùng cửa ải chúng tôi mới lọt qua kiểm soát để vào với Sertar. 10h đêm, cả lũ bắt chuyến bus cuối cùng ở dưới chân tu viện. Bấy giờ trời lạnh, nhưng quang đãng.

Thử thách dành cho chúng tôi là vô số những bậc thang. Ở độ cao này, leo thang chẳng khác nào cực hình. Tôi cứ leo dăm ba bậc lại phải dừng để thở. Nhiệt độ ban đêm lạnh cắt da cắt thịt, răng tôi đập vào nhau lập cập, tay chân tê cóng. Tuyết bắt đầu rơi khi chúng tôi leo lên đến nửa chừng. Càng lên cao tuyết càng nặng hạt. Đến nỗi tôi thấy có một chú chó đen chạy từ trong nhà ra, sau 1 phút nó biến thành chó trắng.

Tôi không có gì ngoài một tấm khăn choàng, vừa quấn quanh người vừa trùm đầu chắn tuyết. Các bậc thang bắt đầu trở nên trơn trượt, tôi phải tập trung hết sức mới có thể tiếp tục leo lên. Được 2/3 chặng đường, chúng tôi dừng lại, phần vì quá lạnh, phần vì muốn tận hưởng trận tuyết này.

Người ta nói rằng phải có duyên với Phật mới được ngắm tuyết rơi ở Sertar. Tiểu Mã bảo tôi, bông tuyết hôm nay lớn chưa từng có. Tôi ngẩng đầu lên nhìn những bông hoa tuyết như xuất hiện giữa hư không, rơi nhè nhẹ như một thước phim quay chậm. Thời gian như ngừng lại, không gian như đổi chiều, tôi nhỏ bé đứng giữa cả một kỳ quan lộng lẫy.

Mặc dù lúc xuống tôi gần như chết cóng, chân và giày ướt sũng vì tuyết, mũi đóng băng chảy nước thòng lòng, nhưng với tôi đêm ấy là một trong những đêm quý giá nhất cuộc đời.

Một ngày nào đó, tôi sẽ dắt người đàn ông của mình lên đó. Nhất định là như thế.

Bonus ảnh tôi chụp Sertar ngày hôm sau:

IMG_7390

IMG_7394

 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

%d bloggers like this: